Từ cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng nghĩ đến tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa
Trong lịch sử Việt Nam, đối với các triều đại trước thời Nguyễn, mà tiêu biểu
là dưới thời Lê, sự thay đổi trang phục hầu như chỉ diễn ra ở tầng lớp hoàng thân
quốc thích, quý tộc, quan lại, chủ yếu là trang phục dành cho đời sống hoàng gia và
việc thực hành các nghi lễ tế tự trong cung đình (tức Lễ phục và Tế phục). Trong
khi đó, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (giữ ngôi chúa ở Đàng Trong 1738-1765)
và vua Minh Mạng (1820-1841) đã chủ trương cải cách toàn diện đời sống xã hội,
dân chúng phải thay đổi trang phục để phân biệt Đàng Trong với Đàng Ngoài và
Đại Nam(1) với Trung Hoa. Vấn đề cải cách trang phục dưới thời Võ vương Nguyễn
Phúc Khoát và vua Minh Mạng không chỉ dừng lại ở hình thức và chỉ trong bộ
phận tinh hoa, mà còn thực hiện một cách triệt để, toàn diện đối với mọi tầng lớp xã
hội. Điều đó đã phản ánh tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại đang
trong thời kỳ hưng thịnh. Hai sự kiện lịch sử này cũng là tiền đề rất quan trọng để
chiếc áo dài Huế - áo dài Ngũ thân ra đời và được phổ biến rộng rãi từ Nam ra Bắc.
Áo dài Ngũ thân trở thành trang phục của mọi tầng lớp trong xã hội, từ vua chúa,
quý tộc, quan lại cho đến thường dân nam nữ và chính thức trở thành quốc phục
của dân tộc. Hai sự kiện lịch sử trên cũng chứng minh rằng, Huế vừa là chiếc nôi
sản sinh ra áo dài, vừa là kinh đô áo dài của Việt Nam.
Trang 1
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tải về để xem bản đầy đủ
Tóm tắt nội dung tài liệu: Từ cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng nghĩ đến tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa
hờ đợi sốt ruột ấy”.(9) Mặt khác, để lý giải vấn đề này, L.Cadière nhắc đến một lời sấm truyền “Bát thế hoàn trung đô” như một trong những cơ sở cốt yếu nhất để Võ vương đưa ra quyết định này. Ông dẫn lời của Johannis Koffler trong một câu chuyện kể về hoàn cảnh Võ vương Nguyễn Phúc Khoát tiếp nhận lời tiên tri: “Xuất phát từ một lời tiên tri, hay nhiều lời tiên tri được loan truyền trong dân gian nên đã có những cải cách ấy. Các cuốn sử đã nói rõ điều này. Mới xem qua tình hình như mối liên quan chỉ có trong việc thay đổi trang phục. Nhưng nếu xét kỹ hơn về hai câu nói của nhà viết sử như vừa nêu trên, cũng như nhận xét về vị trí của hai câu nói đó, sau khi đã kể tên mọi sự thay đổi mà Võ vương đã làm, thì người ta thấy các thay đổi đó đều có liên quan chặt chẽ đến lời tiên tri. Chính vì lời tiên tri đó mà Võ vương cũng như dân bắt đầu hình thành một kỷ nguyên mới”.(10) Những thay đổi, theo cách gọi của L.Cadière là “cải cách”, là “để thay đổi cái tình thế đã xảy ra những đồn đại lan tràn trong vương quốc”.(11) Điều này cho thấy, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã hiểu rất sâu sắc vùng đất mà ông đang cai trị cần thiết có một hệ tư tưởng như thế nào là phù hợp, để an dân, để cố kết các tầng lớp trong xã hội, cùng hướng về một mục tiêu chung thực hiện cuộc cải cách trang phục thành công trong toàn bộ vùng đất Đàng Trong. Từ cuộc cải cách trang phục trên, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã đặt nền tảng đầu tiên cho sự ra đời của chiếc áo dài Ngũ thân truyền thống. Đồng thời, chiếc áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính thức của người dân cả nam lẫn nữ ở vùng đất Đàng Trong. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (161) . 2020 43 Sang triều Nguyễn (1802-1945), triều đình muốn thống nhất y phục hai miền khởi đầu từ vua Gia Long (nối tiếp việc sửa đổi của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát), rồi đến thời vua Minh Mạng đã được thi hành một cách quyết liệt. Từ quan điểm cần thống nhất, tự chủ về mặt văn hóa ở phương diện trang phục, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều quy định thay đổi trang phục để tạo ra sự thống nhất giữa hai miền Nam, Bắc, nhưng ngại sự tốn kém khó khăn do dân chúng còn nghèo, nên không buộc phải gấp rút tuân hành. Quốc Sử Quán triều Nguyễn có ghi lại, vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827), nhà vua xuống dụ: “Nhà nước ta cõi đất hợp một, chính trị, phong tục há nên có khác? Tháng trước các trấn thần lần lượt xin đổi áo mặc cho sĩ dân, đã từng theo như lời xin. Nay các hạt ở Bắc thành cũng nên kịp thời sửa đổi lại để cho được đồng nhất. Nhưng thay đổi phong tục, là việc mới bắt đầu làm, mà dân gian nghèo giàu không đều, về sự nhu cầu mặc, tất nên rộng hạn cho ngày tháng. Vậy thiết tha xuống dụ này: Các ngươi đại thần nên sức khắp cho sĩ dân trong hạt: Phàm cách thức áo mặc đổi theo cách thức Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn cho đến cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10, nhất tề sửa đổi lại, để nêu ý nghĩa “vâng theo phép vua”.(12) Từ thời điểm này áo dài năm thân,(13) cổ đứng, gài 5 khuy bên phải kèm với cái quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Việt Nam, phổ biến từ trong cung đình ra đến dân gian. Sau khi quy định của vua Minh Mạng được tuyên cáo toàn dân, khiến dân tình xôn xao, phản ứng bằng 4 câu ca dao: “Tháng Tám có chiếu vua ra, Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông, Đi thì bóc lột quần chồng sao đang?” Sự việc này cho thấy, thời nào cũng vậy, việc cải tiến trang phục, cách tân thời trang, lúc đầu đều có một lực lượng nhất định ủng hộ, nhưng sẽ có không ít người chống đối, bài xích. Vì vậy, mệnh lệnh của triều đình không được thi hành một cách triệt để trong toàn quốc, đến năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mạng thứ 18 (1837), nghĩa là 10 năm sau, nhà vua lại ban dụ với thái độ quyết liệt: “Ngày trước, từ Linh Giang [sông Gianh] trở ra Bắc, dân vẫn mặc y phục như tục cũ. Đã ban dụ truyền lệnh sửa đổi theo y phục từ tỉnh Quảng Bình trở vào miền trong, để phong tục đồng nhất. Lại cho thời hạn rộng rãi, khiến dân được thong thả may sắm quần áo. Từ năm Minh Mạng thứ 8 đến nay, đã mười năm rồi, vẫn nghe nói dân chưa sửa đổi. Vả lại, từ tỉnh Quảng Bình trở vào Nam, mũ khăn, quần áo đều theo cách của nhà Hán, nhà Minh, xem khá tề chỉnh. Theo phong tục cũ của người miền Bắc, con trai đóng khố, con gái mặc áo thắt vạt, dưới mặc váy. Đẹp xấu đã thấy rõ rệt. Có kẻ đã theo tục tốt, cũng có kẻ vẫn giữ nguyên thói cũ, phải chăng 44 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (161) . 2020 cố ý làm trái mệnh trên? Các tỉnh thần nên đem ý ấy mà chỉ bảo, khuyên dụ nhân dân. Hạn trong năm nay, phải nhất tề thay đổi. Nếu đầu năm sau còn giữ theo y phục cũ, sẽ bị tội”.(14) Hành động quyết liệt về cải cách trang phục của vua Minh Mạng đã tạo cơ hội cho các tầng lớp nhân dân được mặc áo dài Ngũ thân thường xuyên và dần dần đi vào nền nếp trong đời sống hàng ngày. Từ đó, áo dài Huế - áo dài Ngũ thân đã lan tỏa ra khắp cả nước. Trong một công trình nghiên cứu công phu về lịch sử trang phục Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng: “ dạng áo cổ đứng cài khuy kết hợp với quần hai ống là trang phục được phổ biến tại vùng Đàng Trong Việt Nam từ năm 1744. Chỉ sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, đặc biệt dưới triều vua Minh Mạng, bộ trang phục này mới từng bước thay thế các dạng trang phục cố cựu của Đàng Ngoài, trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà, thường được gọi cái tên ngắn gọn là Áo dài”.(15) Như vậy, chiếc áo dài Ngũ thân được sản sinh ra tại Phú Xuân - Huế thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đã được phổ biến và nâng tầm lên thành bộ quốc phục của các tầng lớp nhân dân Việt Nam thời Hoàng đế Minh Mạng. Cho đến nay bộ trang phục đặc biệt này đã có hơn 276 năm lịch sử. Bởi vậy, vẻ đẹp cổ điển và các giá trị văn hóa phong phú của nó đã được thử thách và khẳng định. 4. Thay lời kết Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng đã có công lao rất lớn trong việc đề xuất chủ trương và thực thi cải tổ triều phục (Lễ phục), cải cách trang phục (Thường phục) ở vùng đất Đàng Trong và toàn bộ nước Việt Nam (từ năm 1838 là Đại Nam) trong lịch sử. Nếu như Võ vương Nguyễn Phúc Khoát có công khai sinh ra chiếc áo dài Ngũ thân - áo dài Huế, thì vua Minh Mạng có công đưa chiếc áo dài ấy trở thành trang phục sử dụng phổ biến từ Bắc đến Nam, trong đó Huế giữ vị thế là Kinh đô của áo dài Việt Nam. Vấn đề cải cách trang phục dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng không chỉ dừng lại ở hình thức, mà còn phản ánh tinh thần thống nhất, tự chủ về văn hóa. Từ đó, áo dài đã trở thành trang phục chính thức của mọi tầng lớp trong xã hội, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, không lẫn lộn với trang phục của các dân tộc khác, để chính thức trở thành quốc phục dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiếc áo dài vẫn luôn được coi là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế từ xưa cho đến nay. Nếu đối với nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Huế, thì áo dài nam lại là trang phục Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (161) . 2020 45 mang nét trang trọng, lịch lãm và nghiêm cẩn tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông. Bên cạnh đó, áo dài còn thể hiện những giá trị đặc sắc về đạo đức, thẩm mỹ, là một di sản văn hóa sống động, sản phẩm du lịch độc đáo của mảnh đất Cố đô Huế cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh đương đại. Đây cũng chính là lý do khiến Huế cần đầu tư nghiên cứu để khôi phục lại vị thế và thương hiệu “Kinh đô áo dài” của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành một đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa truyền thống. P T H CHÚ THÍCH (1) Dưới vương triều Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam tồn tại trong thời gian 34 năm (1804-1838). Sau khi lên nối nghiệp vua Gia Long, vua Minh Mạng đã cho thay đổi quốc hiệu là Đại Nam hay Đại Việt Nam Quốc vào năm 1838. Trên thực tế, quốc hiệu Đại Nam tồn tại từ 1838 đến 1945 (107 năm). (2) Trong các triều đại quân chủ phong kiến phương Đông, trình độ văn minh của các triều đại được đánh giá qua chế độ Y quan (áo mũ) và Lễ nhạc. Các triều đại quân chủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến điều này, vì vậy thường ngay sau khi giành được độc lập sẽ cho nghiên cứu áp dụng ngay chế độ Y quan và Lễ nhạc phù hợp. Tương truyền, năm 1407, khi bị triều Minh bắt và giải qua Kim Lăng (Trung Quốc), Hồ Quý Ly đã tự hào khẳng định: “Y quan Đường chế độ/ Lễ nhạc Hán quân thần” (tức: Áo mũ như thể chế nhà Đường/Lễ nhạc tương tự như nhà Hán), hàm ý nước ta đạt trình độ văn minh không kém gì các triều đại rực rỡ nhất của Trung Hoa. Thơ ngự chế khắc trên kiến trúc cung đình Huế cũng có câu: “Y quan Chu chế độ/ Lễ nhạc Hán uy nghi” (Áo mũ theo thể chế nhà Chu, Lễ nhạc uy nghiêm như nhà Hán). (3) Lê Quý Đôn. (1972). Phủ biên tạp lục. Tập 1. Quyển 1, 2 và 3. (Lê Xuân Giáo dịch). Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản. Sài Gòn, tr. 111 - 112. (4) Trần Trọng Kim. (1999). Việt Nam sử lược. Nxb Văn hóa thông tin. Hà Nội, tr. 493 - 494. (5) Cristophoro Borri. (2016). Xứ Đàng Trong năm 1621. (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch, chú giải). Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 54 - 55. (6) Sách Đại Nam thực lục do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn có đoạn chép sau: “Chúa cho rằng lời sấm có nói: “Tám đời trở lại trung đô”, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới; châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ (văn từ chức Quản bộ đến Chiêm hậu, Huấn đạo; võ từ Chưởng dinh đến Cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng mãng bào hoặc gấm đoạn, theo cấp bực). Thế là văn vật một phen đổi mới”. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2002). Đại Nam thực lục tiền biên. Tập 1. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Giáo dục, tr. 153. (7) Dẫn theo Trần Quang Đức. (2014). Ngàn năm áo mũ. Nxb Thế giới - Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, tr. 260. (8) Lê Quý Đôn. (1977). Lê Quý Đôn toàn tập. Tập 1: Phủ biên tạp lục. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb KHXH. Hà Nội, tr. 334. 46 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (161) . 2020 (9) L. Cadière. (1997). “Thay đổi trang phục dưới thời Võ vương hay là sự khủng hoảng về tín ngưỡng vào thế kỷ XVIII”. Những người bạn Cố đô Huế (BAVH). 1915. Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 405 - 406. (10) L. Cadière. (1997). “Thay đổi trang phục dưới thời Võ vương hay là sự khủng hoảng về tín ngưỡng vào thế kỷ XVIII”. Bđd, tr. 409. (11) L. Cadière. (1997). “Thay đổi trang phục dưới thời Võ vương hay là sự khủng hoảng về tín ngưỡng vào thế kỷ XVIII”. Bđd, tr. 408. (12) Nội Các triều Nguyễn. (1993). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập 6. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa. Huế, tr. 216 - 217. (13) Áo dài 5 thân gồm 2 khổ vải được may nối lại với nhau thành thân trước, có một thân phụ nằm phía dưới về phía bên phải. Người ta quan niệm rằng, bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu là cha mẹ mình và cha mẹ người phối ngẫu, còn thân áo thứ 5 tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc (khuy) thể hiện đạo lý làm người Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín và ngũ hành theo triết học Đông phương (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) (14) Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (1972). Minh Mạng chính yếu. Tập 3. Bản dịch của Võ Khắc Văn và Lê Phục Thiện. Ủy ban dịch thuật Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản. Sài Gòn, tr. 282. (15) Trần Quang Đức. (2014). Ngàn năm áo mũ. Sđd, tr. 265. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cristophoro Borri. (2016). Xứ Đàng Trong năm 1621. (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch, chú giải). Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. 2. L. Cadière. (1997). “Thay đổi trang phục dưới thời Võ vương hay là sự khủng hoảng về tín ngưỡng vào thế kỷ XVIII”. Những người bạn Cố đô Huế (BAVH). (1915). Nxb Thuận Hóa. Huế. 3. Lê Quý Đôn. (1972). Phủ Biên tạp lục. Tập 1. Quyển 1, 2 và 3. Lê Xuân Giáo dịch. Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản. Sài Gòn. 4. Nội Các triều Nguyễn. (1993). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Tập 6. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa. Huế. 5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2002). Đại Nam thực lục tiền biên. Tập 1. Bản dịch Viện Sử học. Nxb Giáo dục. 6. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (1972). Minh Mạng chính yếu. Tập 3. Bản dịch của Võ Khắc Văn và Lê Phục Thiện. Ủy ban dịch thuật Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản. Sài Gòn. 7. Trần Quang Đức. (2014). Ngàn năm áo mũ. Nxb Thế giới - Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam. 8. Trần Trọng Kim. (1999). Việt Nam sử lược. Nxb Văn hóa thông tin. Hà Nội. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (161) . 2020 47 TÓM TẮT Áo dài từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống, niềm tự hào và là một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của chiếc áo dài, Cố đô Huế tự hào là chiếc nôi sản sinh ra áo dài với vai trò đặc biệt của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (người có công lớn trong việc cải cách trang phục Đàng Trong từ năm 1744 và khai sinh ra chiếc áo Ngũ thân) và Hoàng đế Minh Mạng (người đã phổ biến, nâng tầm và tôn vinh để chiếc áo dài trở thành quốc phục của nước ta). Bài viết này từ việc phân tích bối cảnh lịch sử và diễn biến công cuộc cải cách trang phục dưới thời Võ vương và vua Minh Mạng để chứng minh rằng, việc cải cách trang phục đó nhằm mục đích thể hiện tư tưởng thống nhất, tự chủ về văn hóa của triều đại; tạo cơ sở quan trọng cho sự hình thành, phát triển chiếc áo dài Huế - áo dài Ngũ thân, để nó dần dần trở thành quốc phục chính thức của dân tộc Việt Nam. ABSTRACT FROM THE COSTUME REFORM UNDER THE REIGNS OF LORD VÕ VƯƠNG NGUYỄN PHÚC KHOÁT AND EMPEROR MINH MẠNG FOR UNIFIED IDEOLOGICAL THINKING, CULTURAL AUTONOMY Áo dài (Traditional dress) has long been the traditional costume, the pride and also one of the cultural symbols of the Vietnamese nation. In looking back its history of formation and development, Huế Ancient Capital could be proud of being the cradle that gave birth to the áo dài with the special role of Lord Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (who was of great merit in reforming the costume of Cochinchina since 1744, and gave birth to the “Áo dài Ngũ thân” - the Five-flaps dress), and that of Emperor Minh Mạng (who popularized, advanced and honored it to be the National costume of Vietnam). This writing analyses the historical context and the details of costume evolution under the reigns of Lord Võ vương and Emperor Minh Mạng to prove the fact that the mentioned costume evolution was to reflect the unified ideology and cultural autonomy of the Dynasty. Additionally, the evolution helped create an important basis for its formation and development, due to this one could gradually become the official National costume of Vietnam.
File đính kèm:
- tu_cai_cach_trang_phuc_duoi_thoi_vo_vuong_nguyen_phuc_khoat.pdf